Lịch sử hình thành văn hóa trà đạo
Cây trà và phong tục uống trà có nguồn gốc từ Trung Hoa và bắc Đông Nam Á cổ. Theo truyền thuyết Nhật, trà được du nhập vào Nhật Bản vào khoảng thế kỷ thứ VIII nhưng hầu hết trà chỉ phổ biến ở tầng lớp quý tộc mà thôi. Đến đầu thế kỷ XIII, một cao tăng có tên là Eisai đã mang một thứ dạng bột gọi là matcha từ Trung Hoa về trồng trong sân chùa tại Kyoto Nhật Bản. Kể từ đó, việc uống trà được phổ biến hơn trong giới bình dân. Với những sự cải tiến không ngừng nghỉ để kết hợp việc thưởng thức trà với những giáo lý Phật giáo, người Nhật đã đưa việc uống trà trở thành một nghệ thuật, một nét văn hóa đặc trưng riêng của xứ sở Phù Tang được gọi là Trà Đạo. Từ đó đến nay, nghệ thuật này ngày càng được hoàn thiện, phổ biến trở thành một nét văn hóa đặc trưng của người Nhật Bản.
Văn hóa trà đạo gắn liền với cuộc sống thường ngày
Từ xưa tới nay, uống trà là một thú vui trong sinh hoạt hàng ngày của nhiều dân tộc trên thế giới. Uống trà không những có lợi cho sức khỏe mà còn là một thú vui tinh thần khi mọi người quây quần bên nhau cùng nhau trao đổi về vị ngon của trà, cùng nhau ngắm cảnh bàn luận về cuộc sống. Uống trà giúp cho con người ta trở về với chính bản thể, bản tính tự nhiên vốn có của mình. Về cơ bản, tinh thần của trà đạo được thể hiện qua 4 chữ: Hòa - Kính- Thanh- Tịnh.
- "Hòa" có nghĩa là sự hài hòa, hòa hợp giữa trà nhân với trà thất, giữa trà nhân với dụng cụ pha trà hay giữa những trà nhân với nhau. Nó tạo nên sợi dây liên kết giữa những chủ thể, sự vật xung quanh buổi trà.
- "Kính" là lòng kính trọng, sự tôn kính của trà nhân với các sự vật và con người, thể hiện sự biết ơn, trân trọng những giá trị trong cuộc sống. Một nghệ thuật sống của sự khiêm nhường, giảm cái tôi và ngã chấp.
- "Thanh" ở đây có nghĩa là thanh thản. Khi mà con người bày tỏ lòng tôn kính biết ơn tới vạn vật thì sẽ hướng tới sự thanh tịnh trong tâm trí, một sự hài hòa, khiêm nhường trong lòng thì lúc đó toàn bộ thế giới quan của trà nhân sẽ ở nên Tịnh.
- "Tịnh" là toàn bộ thế giới trở nên tĩnh lặng khi tâm hoàn toàn được an trú tại giây phút hiện tại. Con người khi đó sẽ ý thức được từng cử chỉ, hành động, lời nói của mọi vật xung quanh nhưng không phán xét. Cơ thể khi này sẽ đạt đến một trạng thái cao về mặt tinh thần và tâm linh. Một sự an lạc và hạnh phúc thực sự.
Nguyên liệu, dụng cụ pha trà
- Trà: Mỗi một hệ phái thường sử dụng các loại trà khác nhau thường phổ biến gồm 2 loại đó là: trà nguyên lá và matcha. Trà nguyên lá là loại trà mà lá trà được phơi khô, pha chế trong bình trà, lấy tinh chất, bỏ xác cho nước màu vàng tươi hay màu xanh nhẹ. Matcha hay còn gọi là bột trà được tinh chế từ những lá trà non chọn lọc vì thế mà trà có màu xanh tươi và độ ẩm hơn so với trà nguyên lá.
- Phụ liệu: Ngoài nguyên liệu chính là trà thì để có được một ấm trà ngon thì không thể thiếu các loại phụ liệu như thảo dược, các loại củ quả phơi khô để làm tăng hương vị cho chén trà, kết hợp với các thành phần trong trà bồi bổ sức khỏe, phục hồi thể chất lẫn tinh thần.
- Nước pha trà: thường là nước suối, nước giếng, nước mưa hoặc nước đã qua khâu tinh lọc.
- Ấm nước: thường được làm bằng đồng để giúp giữ nhiệt cho trà được lâu.
- Lò nấu nước: bếp lò bằng đồng thường dùng than để nấu nhưng ngày nay dần được thay bằng bếp điện.
- Chén trà: Dùng để đựng trà cho khách thưởng thức. Chén được làm bằng men với thiết kế tinh xảo, tỉ mỉ. Trong một buổi tiệc trà thì sẽ không có chén nào giống nhau, mỗi chén đều được trang trí với phong cách riêng theo các chủ đề về thiên nhiên, thời tiết, con người....
- Kensui: chậu đựng nước rửa chén khi pha trà, được làm bằng men và to hơn chén trà một chút.
- Hũ, lọ đựng trà: được dùng để đựng trà bột với các họa tiết trang trí gần gũi với cuộc sống thường nhật.
- Khăn fukusa: Khăn dùng để lau hũ, lọ trà, muỗng trà khi pha trà.
- Khăn chakin: Khăn lau chén trà khi pha trà
- Khăn kobukusa: khăn dùng để kê chén trà, làm giảm bớt độ nóng của chén trà khi cầm lên.
- Ngoài ra để pha được một ấm trà đúng chuẩn thì cần phải có muỗng múc trà, gáo múc nước, cây đánh trà, bình trà, tách trà nhỏ...